banner banner banner banner

Tin tức Kỹ thuật nuôi chim yến

Lê Danh Hoàng: Người nuôi yến trong nhà đầu tiên tại VN

Cập nhật: 15/06/2013 09:16
xay dung nha yen
Mỗi năm, người Việt tiêu thụ hàng trăm triệu USD giá trị tổ yến. Hàng trăm công ty, cửa hàng bán tổ yến mọc lên như nấm sau mưa trên khắp những con phố của TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố khắp cả nước.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, hết phổ thông, Lê Danh Hoàng theo học khoa Kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương.

Năm 2004, khi còn là sinh viên năm thứ ba, trong một lần làm thêm với công việc hướng dẫn đoàn doanh nhân và quan chức Indonesia tham dự hội chợ Vietnam Expo, Hoàng đã gặp ông bà TS. sinh vật học Elisa Nugroho. Ông Nugroho lúc đó là Chủ tịch Hội người nuôi yến Indonesia, và được coi là người phát minh ra nghề nuôi yến hiện đại.

Họ sang Việt Nam tham dự hội chợ với ý định mở rộng thị trường và phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. Hoàng đã đưa ông bà Nogroho đi gõ cửa nhiều doanh nghiệp để tìm hướng hợp tác, nhưng không thành.

Khi ông bà tiến sĩ về nước, Hoàng đánh bạo xin làm đại lý ở Việt Nam phân phối thiết bị nuôi yến, mặc dù thực sự chưa biết sẽ bán cho ai, bán như thế nào...

Theo học nghề nuôi yến trực tiếp cùng TS. E.Nugroho và TS. When Drato tại Indonesia và hầu hết các nước Ðông Nam Á, Lê Danh Hoàng đã tiến hành nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và thói quen sinh học của loài chim yến ở Việt Nam.

Luận văn về tiềm năng và định hướng phát triển của nghề nuôi yến tại Việt Nam và bản đồ chi tiết các tỉnh có thể phát triển nghề của anh được viết trong thời gian theo học tại Hoa Kỳ được đánh giá cao.

Hoàng đã thành lập trung tâm Eka Vietnam chuyên tư vấn nuôi yến vào năm 2005, và tiến hành xây dựng thành công những mô hình nuôi yến trong nhà đầu tiên tại Việt Nam. Anh đã tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu đổi trứng chim yến cỏ và ấp chim con cũng như tư vấn xây dựng nhà yến thành công cho nhiều khách hàng ở Đông Nam Á.

Anh hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Chấn Hưng (yến sào Hoàng Yến). Và dưới đây là tâm sự của người đã có 7 năm trong nghề nuôi và kinh doanh sản phẩm từ chim yến:



“Tôi bước lên máy bay sang Indonesia học nghề nuôi yến vào một buổi chiều tháng 3. Dưới cánh máy bay là cả một vùng xanh mênh mông của rừng ngập mặn Cần Giờ, những cánh đồng lúa mênh mông của Long An, Gò Công, và sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ cùng muôn dòng sông uốn khúc.

Lòng tôi dâng lên một nỗi bồn chồn, không chỉ vì đây là lần đầu tiên ra nước ngoài, mà còn vì trách nhiệm tôi đã đặt ra cho mình là phải mang một nghề mới về cho Việt Nam. Đây phải là nghề có thể giúp tôi và nhiều người khác làm giàu.

Bảy năm sau, trên vùng đất Cần Giờ dưới cánh máy bay ngày đó, giờ là một làng nuôi yến với hàng trăm căn nhà yến.

Công ty chúng tôi từ một nhóm ba người đã thành hơn 150 người, với hệ thống nhà nuôi yến, xưởng chế biến và chi nhánh bán hàng toàn quốc.

Định kiến chim yến chỉ sống trong hang động gần biển đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt Nam. Những ngày đầu khởi nghiệp, một trong những trở ngại lớn nhất của chúng tôi là mọi người không tin rằng chim yến sẽ nuôi được. Chỉ khi chứng kiến tận mắt những tổ yến trong nhà người ta mới tin.

Nguyên lý của nghề nuôi yến thực ra đơn giản như một điều tự nhiên là nước sẽ chảy về chỗ trũng. Đó là tạo cho chim yến môi trường sống thật giống môi trường ở những hang động tự nhiên. Sau đó dùng âm thanh bầy đàn gọi chúng về. Gặp môi trường sống thuận lợi, chim yến sẽ ở lại và sinh con. Người nuôi chỉ cần đợi cho chim non biết bay là có thể hưởng lợi từ thu hoạch tổ yến.

Bằng nghiên cứu nhiều năm trên hàng trăm căn nhà yến tự nhiên ở Indonesia, TS. sinh vật học Nugroho đã chế tạo ra hàng trăm loại thiết bị khác nhau để tạo ra môi trường sống thuận lợi cho chim yến, đồng thời ông cũng viết hàng chục đầu sách về kỹ thuật này.

Những căn nhà yến nhân tạo đầu tiên của Việt Nam áp dụng kỹ thuật của ông. Bằng những cải tiến và quy trình quản lý chặt chẽ hơn, hiện Hoàng Yến đã sản xuất được tất cả các trang thiết bị cho nghề này, và xuất khẩu “ngược lại” thị trường Indonesia.

Theo những thống kê chưa đầy đủ của Hoàng Yến, mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hàng trăm triệu USD giá trị tổ yến. Hàng trăm công ty, cửa hàng bán tổ yến mọc lên như nấm sau mưa trên khắp những con phố của TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố khắp cả nước.

Tuy nhiên, thị trường lớn hơn gấp nhiều lần nằm ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước có người Hoa sinh sống. Gần đây, Hoàng Yến cũng đã bán được tổ yến cho người Đức và Úc.


Nhưng, với hàng vạn căn nhà yến đã và đang sắp mọc lên trên khắp Đông Nam Á, liệu thị trường có hấp thụ nổi lượng sản phẩm?

Câu trả lời không nằm ở ý chí của nhà đầu tư hay quy hoạch của các chính phủ. Nó nằm ở một đặc tính đơn giản của sự cân bằng sinh thái. Thuyết cân bằng này cho biết, số lượng chim trên một đơn vị diện tích lãnh thổ sẽ cân bằng với lượng côn trùng sản sinh tự nhiên ở lãnh thổ này. Nếu số lượng chim vượt quá sẽ thiếu thức ăn và đàn chim tự khắc bị giới hạn.

Indonesia và Malaysia với hàng trăm ngàn căn nhà nuôi yến ở mỗi quốc gia đã sắp chạm mốc cân bằng sinh thái này. Chính vì vậy, sản lượng không tăng nhiều trong những năm gần đây. Thậm chí một số vùng ở Indonesia còn chứng kiến sự giảm sút của đàn chim.

Sự cân bằng này cũng khiến nhiều căn nhà nuôi yến tại những vùng như Gò Công (Tiền Giang), Cần Giờ (TP.HCM) hay Sông Đốc (Cà Mau) đã không đạt kết quả như mong đợi.

Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%, nằm phần lớn tại những căn nhà đã xây đầu tiên trong vùng. Quá nhiều nhà nuôi trong một khu vực đồng nghĩa với tỷ lệ thất bại tăng cao. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chỉ nên có từ 10 - 20 căn nhà nuôi yến tại một khu vực sẽ cho kết quả cao nhất.

Về khía cạnh quản lý, kinh nghiệm của Malaysia là một bài học đáng lưu tâm. Họ không gõ cửa từng nhà, đếm từng tổ yến để thu thuế, vì điều này gần như không thể thực hiện được. Thay vào đó, họ đánh thuế khoảng 35USD trên mỗi ký tổ yến xuất khẩu.

Do phần lớn sản lượng sản xuất của các nước Đông Nam Á cuối cùng cũng sẽ xuất khẩu, nên đây là cách nhà nước vẫn thu được thuế trong khi người kinh doanh được hoạt động hợp pháp và được bảo vệ.

Với vài ngàn căn nhà ở Việt Nam vào thời điểm tháng 8/2011, chúng ta mới đi được khoảng 30% quãng đường phát triển nghề nuôi yến cho đến khi số lượng nhà yến quá nhiều để đạt hiệu quả cao. Điều này sẽ xảy ra trong vòng khoảng 5 năm tới. Các nhà đầu tư nếu có quan tâm đến nghề này, theo tôi, nên quyết định sớm, hoặc không bao giờ!”.

Xaydungnhayen.com.vn (Theo Doanhnhansaigon)

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 1
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 1,122
Tuần trước 625
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952