banner banner banner banner

Tin tức Tin tức yến sào

Người nuôi yến lo bị thiệt hại

Cập nhật: 22/06/2013 23:11
xay dung nha yen
Với khoảng 200 nhà nuôi chim yến trong nội thành TP HCM, nếu thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư, ước thiệt hại của người nuôi yến lên đến hàng trăm tỉ đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, hiện ở thành phố có tổng cộng 402 nhà nuôi yến, riêng huyện Cần Giờ có 174, còn lại nằm rải rác ở các quận, huyện. Trong đó có nhiều nhà nuôi ở khu vực tập trung đông dân cư như quận 1, 3, 5 và 8…


Một nhà nuôi yến ở quận 3, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Sống cùng chim yến

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT triển khai dự thảo quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi loài chim hoang dã này trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, UBND TP chỉ đạo ưu tiên quy hoạch nhà nuôi yến tại huyện Cần Giờ và không cho phép nuôi tại các khu đô thị mới, khu vực trung tâm thành phố. Đối với những cơ sở hiện hữu, chưa phù hợp quy hoạch, UBND TP chỉ đạo phải di dời trước năm 2015.

Hiện nay ở nội thành TP HCM vẫn còn nhiều hộ dân đang "sống" cùng chim yến. Một hộ dân sống ở hẻm 220/158 Lê Văn Sỹ, quận 3 đã từng kêu cứu đến Báo Người Lao Động về việc thời gian qua, trong hẻm này xuất hiện 2 nhà nuôi yến. Các nhà nuôi này thường xuyên phát ra tiếng dẫn dụ yến gây ồn ào suốt ngày, càng về đêm âm thanh khó chịu này càng lớn. "Chúng tôi đi làm về mệt mỏi, rất cần những đêm yên tĩnh để nghỉ ngơi. Vì vậy, mong báo chí, ngành chức năng lên tiếng để trả lại môi trường sống như trước đây cho chúng tôi" - một hộ dân sống trong khu vực này đề nghị.

Tương tự, một hộ dân sống gần nhà nuôi chim yến ở quận 8, bức xúc: "Cuối tuần, nghỉ ở nhà nhưng muốn "nổ não" bởi tiếng ồn của âm thanh thu hút chim yến từ các nhà nuôi".

Tại một nhà nuôi yến trên đường Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, chúng tôi thấy thường xuyên xuất hiện khá nhiều chim yến bay xung quanh. "Mặc dù khu vực nuôi yến được xây khá cao nhưng chúng tôi vẫn thấy không an tâm khi xuất hiện dịch bệnh trên yến như vừa xảy ra ở Ninh Thuận" - một hộ dân sống gần đó cho biết.

Di dời là đúng nhưng lo bị thiệt hại

Trong dự thảo nói trên, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo nên đưa ra những thông tin cụ thể về thực trạng các cơ sở nuôi yến hiện hữu, cần có tính toán hợp lý về lợi ích cũng như rủi ro trong đầu tư và thông tin cho người dân biết để tránh đầu tư tràn lan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa lây truyền dịch bệnh, ô nhiễm tiếng ồn do chim yến và thiết bị dẫn dụ chim gây ra. Trước ngày 10-7, Sở NN-PTNT phải trình UBND TP văn bản tham mưu, chỉ đạo về việc quản lý nuôi chim yến trên địa bàn trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ NN-PTNT.

Việc đầu tư nhà nuôi yến khá tốn kém, nếu chim không đến, chủ đầu tư bị thiệt hại không nhỏ. Còn khi đầu tư có hiệu quả mà phải di dời, người nuôi bị thất thu rất lớn. Ông Lê Danh Hiển, phụ trách tư vấn kỹ thuật nuôi yến thuộc Trung tâm Yến sào Hoàng Yến EKa, cho biết một số quốc gia đã cấm nuôi chim yến ở khu dân cư. Vì vậy, việc TP HCM sớm di dời, quy hoạch vùng nuôi yến nằm ngoài khu dân cư là cần thiết.

Chủ một hộ nuôi chim yến ở quận 2 cho rằng không thể di dời nuôi chim yến ra khỏi trung tâm thành phố vì không ai có thể chuyển đàn chim đi nơi khác như các loài gia cầm khác. Như vậy, di dời đồng nghĩa với phải lập nhà mới và dẫn dụ đàn chim mới, mất hẳn nguồn thu cũ, trong khi nguồn thu mới chưa biết có hay không. Theo ước tính của người này, vốn xây dựng và thiết bị cho nhà nuôi yến ít nhất là 3 triệu đồng/m2. Vì vậy, tùy theo diện tích, vốn đầu tư mỗi nhà yến từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng. Với khoảng 200 nhà nuôi yến hiện hữu trong nội thành, nếu di dời, thiệt hại phải lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Yến sào Sài Gòn Anpha, cho biết việc di dời nhà nuôi yến là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc thời điểm di dời và tính đến khu vực, hiện trạng nhà nuôi yến. Nếu nhà nuôi trên cao, không ảnh hướng đến môi trường, sức khỏe người dân xung quanh thì nên cân nhắc cho tiếp tục nuôi để tránh thiệt hại lớn.

Một cán bộ Sở NN-PTNT TP HCM cho biết thực hiện chỉ đạo của thành phố, sở đang rà soát, kiểm tra và thu thập thông tin từ tất cả các hộ nuôi yến trong khu vực nội thành, khu đô thị mới để đánh giá hiệu quả, từ đó khuyến cáo người nuôi phương hướng đầu tư. Đồng thời hướng dẫn người nuôi đăng ký với cơ quan chức năng để công tác bảo vệ môi trường, phòng dịch bệnh… được hiệu quả hơn.

Khánh Hòa, Ninh Thuận đưa cơ sở nuôi chim yến ra khỏi khu dân cư

UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Công ty Yến sào Khánh Hòa tham mưu công tác quản lý, đề xuất phương án phòng dịch bệnh cho chim yến trong khu dân cư, quy hoạch khu vực nuôi và mô hình nuôi chim yến phù hợp.

Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, cho biết nhà yến do công ty quản lý, tư vấn đều có quy trình, kỹ thuật phòng bệnh nghiêm ngặt, các nhà yến tư nhân cần phải có cơ quan chức năng quản lý.


Những nhà nuôi chim yến trong khu dân cư ở Ninh Thuận phải di dời trong thời gian tới Ảnh: Lê Trường

Hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tăng cường rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tiến hành khảo sát toàn bộ các hộ dân nuôi chim yến ở Khánh Hòa.

Sau khi xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi ở Ninh Thuận vào tháng 4-2013, mới đây, UBND tỉnh này đã có chỉ đạo chặt chẽ về khu vực nuôi loài chim hoang dã này. UBND tỉnh giao TP Phan Rang - Tháp Chàm và Sở NN-PTNT giám sát chặt chẽ, không để phát sinh các nhà nuôi chim mới trong khu đô thị. Đối với những cơ sở nuôi chim yến đã có, cơ quan chức năng phải có kế hoạch di dời.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đang xúc tiến quy hoạch vùng nuôi chim yến ở khu vực ven biển của huyện Ninh Hải và khu vực nông thôn của huyện Ninh Phước.
 
K.Nam-L.Trường
Xaydungnhayen.com (Theo NLĐ)

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 7
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 984
Tuần trước 897
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952