banner banner banner banner

Tin tức Tin tức yến sào

Nghề khai thác yến sào ở Bình Định

Cập nhật: 15/07/2013 14:39
xay dung nha yen
Bán đảo Phương Mai được xem là xứ sở của loài chim yến. Trong đó, xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) có nhiều hang yến nhất. Cũng tại nơi đây, những hang yến đầu tiên của Bình Định được phát hiện, mở ra một nghề mới: nghề khai thác yến sào ở Bình Định. Những người mở lối… 

Về Nhơn Lý, theo dấu nghề gác yến và khai thác yến thời xưa, thật may, tôi gặp được ông Nguyễn Kim Côn (84 tuổi), người thôn Lý Chánh, người đã gác yến tại các hang yến ở đây thời xưa, còn sống đến nay. Theo một số tư liệu lịch sử và lời kể của ông Côn, khi tàn quân của Nguyễn Ánh bị hải quân Tây Sơn chặn đánh tan tác trên đầm Thị Nại, một số đã chạy sang bán đảo Phương Mai, rồi trốn vào trong các hang sâu, gành đá ven biển của hòn Đen - dãy núi nối liền ba xã Nhơn Lý, Nhơn Hội và Nhơn Hải. Và ở đây, họ đã phát hiện ra các hang yến.
Khi các hang yến được khai thác, trên bán đảo Phương Mai có khoảng 30 hang; trong đó, có những hang lớn như: hang Cả, hang Dơi, hang Đôi, hang Cạn, hang Cỏ, hang Rừng Cao… Ông Côn cho biết: “Hang yến thời đó được chia theo sở. Sở lớn có 8 hang, sở nhỏ có 18 hang. Tổ yến thu hoạch được chia làm ba loại: mao yến, bạch yến và huyết yến; trong đó, quý hiếm và có giá trị nhất là huyết yến”.
Ông Côn kể cho tôi nghe truyền thuyết liên quan đến loại huyết yến, cũng là câu chuyện thương tâm về một cặp vợ chồng canh gác yến ở Nhơn Lý xưa. Ngày đó, có cặp vợ chồng canh hang yến đang sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng rồi tên lý trưởng của làng biết rõ đến kỳ "làm hàng", người chồng vắng nhà, bèn giở trò ve vãn người vợ. Chị đã phản đối quyết liệt. Ngày nọ, nhân lúc chị vào núi lấy củi, hắn tổ chức bắt cóc chị. Biết không thể thoát, chị đã chạy lên hang đá và nhảy xuống biển... Người chồng khi trở về biết chuyện đã gào khóc thảm thiết, không ăn uống, đến kiệt sức mà chết. Hai vợ chồng họ hóa thành đôi chim yến trong hang. Đến mùa làm tổ, đôi chim đã nhả những sợi tơ lòng bằng máu của mình, đó là những tai yến huyết quý giá ngày nay.
Sản lượng khai thác yến sào của Ban Quản lý và Khai thác Bình Định mỗi năm đạt trên 500 kg. Sản phẩm yến sào chủ yếu dành cho xuất khẩu với giá trị gần 650.000 USD/năm.
Đó là truyền thuyết, còn trên thực tế, những người đầu tiên phát hiện ra hang yến ở Bình Định, là hai người quê ở Hội An (Quảng Nam) là ông Nguyễn Văn Kỷ và một người họ Trần. Về sau, con ông Nguyễn Văn Kỷ là ông Nguyễn Ních lấy vợ ở Nhơn Lý và con cháu tiếp tục theo nghề gác yến. Còn con cháu người họ Trần thì sang lập nghiệp tại xã Nhơn Hải.
Dò hỏi tìm tung tích con cháu những người đầu tiên phát hiện ra hang yến ở Bình Định, thật bất ngờ, tôi được biết, ông Nguyễn Ních chính là ông cố ngoại của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Ông Liễn cho biết: "Trước năm 1945, Công ty Quảng Phúc Xương của người Hoa, trụ sở đóng tại Hội An, đã bao thầu khai thác yến ở Bình Định. Họ tuyển những người bên họ ngoại của tôi làm bảo vệ hang yến. Khai thác nhiều lắm. Ngày đó, tôi chừng 7, 8 tuổi, vẫn thường theo chân người lớn ra hang yến chơi; cũng là để hưởng sái loại yến vụn. Bụng tôi chứa cả tạ yến đấy. Nhờ vậy, đến nay tôi mới còn khỏe mạnh và yêu đời dù đã ở cái tuổi quá “thất thập” này!".
Gìn giữ một tài nguyên
Yến sào là một phẩm vật quý giá. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, công tác bảo vệ các hang yến luôn được coi trọng. Ông Côn cho biết, thời xưa, những người gác yến được chia theo đội, mỗi đội từ 4 đến 6 người. Làm nghề gác yến, vất vả nhất là khi trời tối. Người gác phải pha đèn liên tục; thỉnh thoảng xuống gần miệng hang để canh, vì bọn trộm yến có khi lặn sâu dưới nước, chứ không đi bằng thuyền. Nghề gác tổ yến đã vất vả, nhưng xét ra, chẳng thấm vào đâu so với nghề khai thác yến. Thời xưa hay nay, người khai thác là những người gan dạ, nhanh nhẹn và khéo léo, vì đây là một nghề nguy hiểm. Trước đây, khi chưa được đào tạo bài bản, nghề này có những bí quyết trao truyền mang tính cha truyền con nối. Ngoài ra, trước khi lên đường khai thác, người ta phải cúng sơn thần thổ địa để cầu an.
 
Ngày nay, người làm nghề khai thác yến được huấn luyện kỹ thuật rất kỹ. Công nhân khai thác của Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định có 6 bậc tương đương với 3 hạng công thời xưa. Phương tiện và cách khai thác từ trước đến nay không có gì thay đổi. Vẫn làm những giàn giáo chênh vênh bằng tre và mây cao hàng chục mét bám vào vách đá. Người công nhân khai thác nhẹ nhàng trèo lên giàn giáo và gỡ từng tổ yến.
Ông Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định, cho biết: "Ban cũng từng nghĩ đến việc làm những giàn giáo chắc chắn hơn bằng kim loại, nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân khai thác. Nhưng vì trong hang yến, đá gập ghềnh, chỗ cao chỗ thấp, nên rất khó dựng giàn giáo kim loại. Ngoài ra, sau khi khai thác xong phải nhanh chóng rút lui, để chim yến tiếp tục kéo về làm tổ. Nếu làm giàn giáo bằng kim loại sẽ mất nhiều thời gian tháo dỡ".
Thêm vào đó, do các hang yến thường nằm xa khu dân cư và ở ngoài vách núi, nên những người canh gác và khai thác yến không chỉ vất vả về điều kiện sống, mà trước mắt họ, lúc nào, cũng chỉ là biển nước mênh mông hoặc vách đá vắng lặng. Ông Vân cho biết: “Hàng tháng, mỗi công nhân được bố trí nghỉ bù 4 ngày về nhà. Đặc thù của nghề này là thế, nên đâu phải ai cũng trụ được với nghề này lâu dài".


Làm nhà cho yến
Hàng năm, lượng yến sào xuất khẩu đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho Bình Định. Trước đây, Bình Định có nhiều hang yến; nhưng qua thời gian khai thác, một số hang yến không tiếp tục đến làm tổ, nên hiện nay, Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định chỉ còn quản lý và khai thác 16 hang yến. Trong đó, Nhơn Lý có 14 hang và Nhơn Hải 2 hang.
Do hang yến ở ngoài tự nhiên, nên sản lượng khai thác hàng năm không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết. Chẳng hạn, năm 2006, bão số 1 gây sóng to gió lớn, đã cuốn trôi rất nhiều tổ yến, nên sản lượng khai thác giảm khoảng 30% và gây nhiều khó khăn cho việc khai thác.
Để góp phần tăng sản lượng, hạn chế thiệt hại do thời tiết và nguy hiểm cho công nhân khai thác, Ban đang triển khai mô hình nuôi yến trong nhà. Thực ra, mô hình này cũng đã triển khai ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Tiền Giang, Ninh Thuận, Khánh Hòa… Để dẫn dụ chim yến về nhà, cần xây nhà bằng bê tông hoặc tôn khung sắt, lắp hệ thống loa thu tiếng chim, hệ thống phun sương làm mát, tăng độ ẩm và lắp trần gỗ.
Điều quan trọng nhất, theo ông Vân, vẫn là giữ chân chim yến ở lại. Có trường hợp, chim đến rồi đi và không bao giờ trở lại. Hiện Ban đã cải tạo nhà nghỉ của công nhân thành nhà nuôi chim và ngay tại văn phòng làm việc, Ban cũng đã xây dựng một nhà nuôi yến ngay trên sân thượng. Ước tính tại Quy Nhơn, đã có trên 10 hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi yến trong nhà. Tuy nhiên, kết quả mô hình này mang lại ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng vẫn chưa được như mong đợi.

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 1
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 625
Tuần trước 1,706
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952