banner banner banner banner

Tin tức Tin tức yến sào

Nuôi chim yến

Cập nhật: 09/06/2014 08:40
xay dung nha yen
Du khách đến phố biển Tuy Hòa uống cà phê ngoài nghe nhạc của quán còn nghe tiếng chim yến gọi đàn ríu rít trên các tầng lầu của những ngôi nhà chung quanh, làm liên tưởng đến biển cả đang réo gọi rất gần đâu đây.

Chỉ vài con chim yến bay ra bay vô những ô cửa nhỏ xíu như treo trên nền trời xanh ngắt, nhưng tiếng chim phát ra từ đó như dàn hòa ca của một hang yến ngoài đảo xa đang trùng dương sóng vỗ. Khách hỏi ra mới biết tiếng chim yến được thu thanh vô máy rồi phát 24/24 giờ để dụ chim về làm tổ. Âm thanh đó là tổ hợp của tiếng chim non đòi ăn, tiếng chim trống, tiếng chim mái, tiếng gọi bạn tình, tiếng gọi bầy đi kiếm ăn, tiếng chào nhau khi về lại tổ...

Nói nuôi chim nhưng không phải cho ăn, chỉ là tạo một nơi cho chim trú ngụ, làm tổ sinh con. Chim yến ngoài chung thủy với bạn tình như một thuộc tính đẹp của loài chim, chúng còn “thủy chung” với nơi ở. Đã ở đâu rồi thì chúng ở đến già, do đó người nuôi chim yến chỉ dụ được những đôi chim non.

Có người tạo chỗ ở cho chim tốn vài chục triệu, thiết kế đúng chỉ dẫn chuyên môn, tiếng dụ chim phát ra cả ngày điếc óc điếc tai nhưng “chưa có duyên” thì chim không đến ở. Trái lại có nhà bỏ hoang một tầng lầu, chẳng phải đầu tư tốn kém gì thì chim đến ở đặc gậc. Làm chuyện gì cũng phải có duyên mới được! Ở Tuy Hòa, tầng lầu của nhà sách Hưng Đạo nổi tiếng chim yến đến ở đông đúc và là nơi đầu tiên nuôi chim yến trong nhà.

Sáng ra chim yến tỏa đi kiếm ăn, chúng bay liên tục cả ngày trời, không đậu ở đâu cả. Vì thế chim yến có đôi chân bé tí và từng có lúc người ta nghĩ chim yến không chân. Chim yến bắt côn trùng trên cao và ăn luôn khi đang bay. Chiều về lại nơi ở, chim trống nhả nước bọt kéo sợi, bện lại thành tổ trên các khung gỗ hoặc vách tường tầng nhà, trông như nửa cái chén màu bạc dính chặt vô vách.

Hơn một tháng trời chim mới xây xong nhưng người nuôi “đành đoạn” gỡ lấy tổ. Mất tổ, chim trống đau thương la hét rồi vội vàng xây tổ mới để chim mái kịp đẻ trứng. Ác hơn, người ta biện giải rằng làm như thế may ra chim nôn nóng xây nhà, chúng tức tối nhả nước bọt lẫn cả huyết mới có tổ huyết yến, lợi nhuận cao hơn.

Khi chim non rời tổ, người ta lấy tổ yến một lần nữa. Vậy là mỗi lần sinh con, chim yến cho hai lần tổ. Mỗi năm chim yến đẻ từ hai đến ba bận. Dẫu sao con người chỉ “phá” tổ chứ chưa đến mức ăn thịt chim yến như một số loài chim khác đang bị săn đuổi ráo riết cho những lò quay chim.

Tác dụng bồi bổ cơ thể của tổ yến chưa ai chối cãi được, chỉ có điều hơi khó hiểu, rằng nước dãi của chim thì thành phần nào khác hơn ngoài nước, muối, các loại men và... vi khuẩn? Thôi kệ, có cầu ắt có cung, người dân có thêm cái nghề mới mà nếu chuyên tâm, đủ cơ duyên, cũng dễ phát đạt. Còn một điều khó hiểu nữa, coi bộ chim yến cũng thích gần gũi con người, bằng chứng chúng sống được những nơi ồn ào như đường phố, khu chợ, người đông đúc ra vào miễn không ai quấy phá chúng.

Kế sinh nhai của mỗi người, mỗi nhà đều đáng trân trọng. Chỉ là một số người nuôi chim yến nóng lòng dụ chim nên mở âm thanh quá to, suốt cả ngày rất phiền hàng xóm. Có hàng xóm ác ý xin mèo về nuôi, mèo sinh con đẻ cái, chúng lẻn qua nhà bên dọa chim yến, chim rủ nhau bay đi hết coi như mất toi bao nhiêu công sức, tiền bạc. Có những việc “đất không chịu trời, trời không chịu đất”, biết trách ai cho phải đây?

Theo TTO

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 2
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 625
Tuần trước 1,706
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952