banner banner banner banner

Tin tức Tin tức yến sào

Khánh Hòa hướng đến nghề nuôi chim yến bền vững

Cập nhật: 09/06/2014 08:42
xay dung nha yen
Nếu như nghề khai thác tổ yến tự nhiên của Việt Nam có lịch sử gần 700 năm, thì nghề nuôi yến trong nhà chỉ bắt đầu manh nha trong mười năm gần đây.

Xuất phát từ lợi thế là địa phương có số lượng quần thể chim yến và sản lượng tổ yến tự nhiên cao nhất cả nước, Khánh Hòa cũng chính là nơi khởi đầu cho nghề nuôi chim yến trong nhà.

1. Công ty Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp duy nhất được UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ quản lý, phát triển đàn yến và khai thác yến sào trong các hang đảo tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm và định hướng phát triển, mở rộng quy mô của doanh nghiệp, Công ty vừa ứng dụng thành công khoa học tiên tiến trong công tác quản lý, khai thác và phát triển di đàn quần thể, vừa tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học để bước sang một lĩnh vực mới mẻ: Nuôi chim yến trong nhà. Với những thành công trong thực tiễn, Công ty Yến sào Khánh Hòa được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong của cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào.

Từ năm 2004, Công ty đã thực hiện thành công phương pháp và kỹ thuật di đàn. Tiếp đó, năm 2007, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa và các cộng sự trong công ty đã nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp ấp nở nhân tạo chim yến. Sự kết hợp đồng bộ hai kết quả này đã mở ra mô hình nuôi chim yến và chỉ vài năm sau, nghề nuôi chim yến trong nhà đã trở thành phong trào mạnh mẽ với những hiệu quả tích cực, được công ty nhân rộng trên địa bàn tỉnh và mở rộng, chuyển giao công nghệ cho nhiều tỉnh khác như: Phú Yên, Bình Định và các tỉnh Nam bộ...


Khánh Hòa đang hướng đến một nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao

Riêng ở Khánh Hòa, tại thời điểm này đã có 62 cơ sở nuôi chim yến, tập trung phần lớn tại thành phố Nha Trang, với tổng đàn khoảng 26.000 con, trong đó Công ty Yến sào Khánh Hòa có 29 cơ sở với 15.000 con. Ngoài ra, cả tỉnh còn có 30 cơ sở nuôi mới hình thành, đang trong quá trình dẫn dụ chim yến về sinh sống và làm tổ.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa: “Nhìn chung hiện nay nghề nuôi chim yến trong nhà của người dân đang phát triển theo một cách tự phát, không có định hướng; các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị”.

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Xí nghiệp Thiết kế và xây dựng nhà yến, cũng nói rằng: “Người đầu tư nuôi yến thiếu thông tin về nghề nuôi yến; họ chủ quan, không kiểm tra, đánh giá đầy đủ các yếu tố cần thiết khi xây dựng một nhà yến mới, cách thức xây dựng nhà yến rất sơ sài, không đúng tiêu chuẩn... dẫn đến thất bại vì chim không vào hoặc vào rất ít”.

2. Để công nghệ nuôi chim yến hoàn thiện và khi áp dụng, chuyển giao cho cộng đồng đạt một quy trình khép kín, Công ty Yến sào Khánh Hòa tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu với đề tài khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”. Đầu năm nay, đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu, với kết quả đạt loại xuất sắc. Công trình này tập trung nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến, các biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quá trình nuôi ấp nhân tạo chim yến, quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà, cách phòng bệnh cho chim yến nuôi...

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế, xây dựng mô hình nhà yến ở thành thị và mô hình nhà yến ở nông thôn, qua đó mô hình nuôi chim yến ở thành phố với 2.000 con đã làm tổ trên 1.000 tổ yến; ba mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con đã làm tổ trên 50 tổ/ mô hình. Những người thực hiện đề tài nghiên cứu cũng đã thành công kỹ thuật vận hành nhà yến với các bước: Dẫn dụ chim vào nhà yến, kích thích chim là tổ trong nhà yến, phát triển bầy đàn chim yến trong nhà yến, phòng chống dịch hại cho nhà yến, nâng cao chất lượng và số lượng tổ yến...

Tuy nhiên, trong bối cảnh những năm gần đây dịch cúm gia cầm thường xuyên tái diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng, việc quản lý nghề nuôi chim yến đặt ra các yêu cầu với mục tiêu quy hoạch nghề này phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gần đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh với tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, chính quyền cơ sở, người nuôi chim yến đối với công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi chim yến; các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh giữa chim yến và người; tăng cường công tác giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các cơ sở nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các diễn biến dịch bệnh.

Theo đó, trong hai năm 2014 - 2015, Khánh Hòa cấp trên 260 triệu đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Công ty Yến sào Khánh Hòa thực hiện công tác quy hoạch; tập huấn và tuyên truyền, hướng dẫn các quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y trong ngành chăn nuôi gia cầm nói chung và nuôi chim yến nói riêng; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho chim yến nuôi. Đặc biệt, việc giám sát dịch bệnh sẽ được tiến hành thường xuyên, trong đó sẽ tổ chức lấy mẫu định kỳ 2 lần/năm đối với tất cả các cơ sở nuôi để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.

Theo Thạc sĩ Lê Văn Thắng - Chi cục Trưởng Chi cục thú y Khánh Hòa: “Mặc dù chim yến có sức đề kháng rất cao, nhưng sau khi phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trên mẫu chim yến chết tại nhà hát Thanh Bình ở thành phố Phan Rang (tỉnh Bình Thuận) hồi tháng 4 năm ngoái, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về khả năng bị nhiễm bệnh của chim yến, đặc biệt là đối với cúm gia cầm H5N1”.

Ông Thắng cũng đưa ra khuyến cáo đối với người nuôi chim yến là cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm cho yến nuôi như sau: Khu vực xung quanh nhà yến phải dọn vệ sinh thường xuyên, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng mỗi tuần một lần; phải kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật gây hại tại khu vực nuôi chim yến, có thể sử dụng thuốc xịt định kỳ để diệt gián và côn trùng...

Cùng với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống khá tốt cho chim yến và không ít kinh nghiệm đã có, Khánh Hòa đang hướng đến một nghề nuôi chim yến phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang tính bền vững, đạt hiệu quả cao.

Theo TTVH

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 1
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 1,122
Tuần trước 625
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952