banner banner banner banner

Xây dựng nhà yến Tư vấn kỹ thuật & Công nghệ

Nghề nuôi yến trong nhà

tin tuc xay dung nha yen
Xưa kia, ai cũng nghĩ rằng, chim yến chỉ sinh sống và làm tổ tự nhiên ngoài đảo khơi, nhưng gần đây đã có nhiều mô hình nuôi yến ngay trong nhà như ở thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, các tỉnh ven biển miền Trung,… Với mức thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng - nghề nuôi yến đang mở ra một hướng đi đầy triển vọng được ví như khai thác “vàng trắng” .

Tìm hiểu về nghề nuôi chim yến 
 
Yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò gọi là yến sào (tổ yến). Sau khi chế biến, nó sẽ trở thành một loại thực phẩm quý hiếm mà xưa kia từng được xếp vào hàng “bát trân”, chỉ có các bậc đế vương, quý tộc mới được thưởng thức. 
 
Bên trong một tổ yến trong nhà
 
Nghề lấy tổ yến ngoài biển đảo rất vất vả, nguy hiểm vì phải leo lên giàn giáo cao, còn tổ yến trong nhà rất dễ khai thác, chỉ cần biết bóc tách sao cho tổ còn nguyên vẹn là được. Nghề nuôi yến đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm tại Indonesia và Malaysia, trở thành một ngành kinh tế mạnh của hai nước này. Riêng Việt Nam, môi trường tự nhiên thuận lợi, yến tập trung sinh sống nhiều ở các vùng đảo  nhưng nghề nuôi yến mới chỉ bắt đầu phát triển khoảng chục năm trở lại đây. 
 
Theo chị Lê Minh Châu, phó Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phan Hưng Thịnh thì: “Hiện nay nghề nuôi chim yến trong nhà còn là một ngành khá mới tại Việt Nam (phát triển khoảng 15 năm) tuy nhiên lịch sử hình thành trên thế giới cũng đã gần 200 năm. Và dẫn đầu công nghệ "dụ" yến vào nhà là Malaysia. Và ngôi nhà yến đầu tiên tại VN "dụ" thành công là của một người Malai.VN là một trong 4 nước trên thế giới có mật độ chim yến cao và Chất lượng yến của Vn đứng đầu thế giới. Nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều với những đặc tính hữu dụng của một trong 8 "bát trân'  - Yến đứng vị trí đầu tiên. nhu cầu thị trường rất lớn: ăn uống, làm đẹp, chữa bệnh... 

Hiện nay giá 1kg yến thô dao động khoảng 35 - 40tr tùy từng loại yến và chất lượng, nó được gọi với cái tên "Vàng trắng". Một  nhà nuôi yến được cho là thành công thì sau khoảng 1,5 - 2 năm là bắt đầu có thể khai thác.

Theo đánh giá của bên công ty mình ở những nhà đã lắp đặt thì sau 2 năm, với diện tích nhà 100m2 trung bình khai thác tổ 0.5 - 0,8kg/tháng. từ năm thứ 3 thì 1 - 1,5kg/tháng.
 
 
Một số địa phương thành công trong nghề nuôi yến lấy tổ như: Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà), Tuy Hoà (Phú Yên), Ninh Thuận, Gò Công (Tiền Giang) và phát hiện ra nhiều vùng chim yến kéo đến làm tổ trong nhà ở Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh… Hiện nay, mô hình nuôi chim yến lấy tổ đã đạt được những kết quả khả quan. Một số cơ sở tư nhân cũng đã thành công trong quản lý nhà yến cũ, xây dựng nhà yến mới và ấp nở nhân tạo.
 
Hiện giá tổ yến nuôi dao động khoảng 32 triệu/kg, nếu làm sạch có giá đến 42 triệu đồng/kg. Đây là nguồn lợi nhuận rất cao mà các ngành nghề khác khó có thể sánh. Diện tích lắp đặt 100 m2 yến nuôi sau một năm thường cho thu hoạch trên dưới 1kg/tháng. Nuôi yến còn có lợi ích về môi trường, bởi yến sống hoang dã, thức ăn của chúng là các loại sâu bọ, côn trùng gây hại cho sản xuất nông nghiệp, chưa kể còn có thể phát triển du lịch.
 
Để nuôi yến thành công đòi hỏi người nuôi phải trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về nghề nuôi chim yến trong nhà. Bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ việc thiết kế nhà nuôi yến, lắp đặt các trang thiết bị cần thiết, dẫn dụ chim vào ở đến cách chăm sóc, bảo vệ yến khỏi các yếu tố xâm hại, địch hại, kỹ thuật quản lý, thu hoạch tổ... Tốt nhất bạn nên thuê chuyên gia tư vấn hoặc tham khảo từ những người đã có kinh nghiệm. 
 
Tại các nước đã có lịch sử lâu đời trong nghề nuôi yến, công nghệ và kỹ thuật nuôi yến ngày càng được cải tiến, hiện đại hơn. Có thể kể tới những công ty uy tín trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ nuôi yến như:  Eka-walet  (Indonesia);  Crystal  Swiftlet,  Swiftlets  City,  Nest  Tech  (Malaysia); Nokhousing Co. Ltd. (Thailand). Trong đó, công nghệ của Malaisya được đánh giá cao nhất. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có một số đơn vị nhận chuyển giao công nghệ nuôi yến trong nhà. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phan Hưng Thịnh (Web: http://yenvietbiendong.tk/ hoặc:  http://phanhungthinh.blogspot.com/)
 
 
Clip phóng sự về nghề nuôi yến ở Bình Định phát trên VTV4
Chuẩn bị vốn đầu tư
 
Mô hình nuôi chim yến tại nhà chỉ cần đầu tư một lần, không phải đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Chi phí đầu tư chủ yếu là thiết kế nhà ở cho yến, lắp đặt các trang thiết bị cộng với các chi phí chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi.
 
Theo anh Nguyễn Minh Sơn, kiến trúc sư (quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng), ngoài ngôi nhà thiết kế theo kiến trúc Pháp 2 tầng ở đường Trưng Nữ Vương vốn là nơi trú ngụ của gia đình anh được tận dụng tầng 2 làm nơi trú ngụ cho hơn 1000 con chim yến, anh đã phải đầu tư đến gần 2 tỷ đồng để mua sắm lắp đặt các thiết bị phục vụ cho việc nuôi yến.
 
Còn theo anh Huỳnh Thanh Lâm (32 tuổi), ở tổ 40, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), một trong số ít người đi đầu trong việc nuôi chim yến ở TP. Đà Nẵng, cho biết  cuối năm 2009, sau 3 năm tìm tòi học hỏi cũng như tham quan thực tế ở nhiều nơi, anh cùng với hai người bạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây ngôi nhà ba tầng và mua sắm các trang thiết bị để dụ chim yến vào ở.
 
 
Nhà nuôi yến phải có diện tích tối thiểu là 32m2, cao ít nhất là 12m
 
Chị Lê Minh Châu - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phan Hưng Thịnh cho biết: “Chi phí cho việc chuyển giao công nghệ nuôi yến sẽ được phân bổ theo hai hạng mục. Đối với trường hợp xây dựng nhà mới thì chi phí xây dựng thô khoảng từ 2,5-3 triệu VND/m2 tùy theo cùng miền (đây là mức giá chung về xây dựng); chi phí lắp đặt thiết bị từ 720-860.000VND/m2 tùy theo mô hình dùng becphun hay máy tạo ẩm. Đối với trường hợp cải tạo nhà thì chi phí chống nóng hệ thống, tạo ẩm môi trường xung quanh và lắp thiết bị từ 750-900.000VND/m2.
 
Công ty chúng tôi đã chuyển giao công nghệ nuôi yến cho nhiều hộ gia đình ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Phan Thiết, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang,... bao gồm kỹ thuật nhân tạo để tạo dựng trong nhà một môi trường thiên nhiên hoang dã như tạo hang hốc, phòng tối, xử lý ánh sáng vừa phải, lắp đặt hệ thống phun sương, tạo mưa, dụ chim yến về sinh sống và làm tổ, sử dụng máy gọi âm thanh theo tiếng bầy đàn của chim yến...”
 
Công nghệ nuôi yến trong nhà
 
Chim yến ưa sự yên tĩnh hoang sơ, chúng thường đến trú ngụ ở các ngôi nhà cũ, ít sử dụng. Do vậy, bước đi đầu tiên để phát triển nghề này là cải tạo nhà yến cũ, bảo tồn và phát triển nhà yến. Cách làm hữu hiệu nhất trong thời gian đầu là không thu hoạch tổ hoặc chỉ thu hoạch tổ một cách chọn lọc sau khi chim con bay hết và có biện pháp chính xác sửa chữa ngôi nhà có yến đang ở. Tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan đều nhấn mạnh nguyên tắc là phải kiểm tra nhà yến một cách đều đặn và chỉ thu tổ sau khi chim con có thể bay và tự lo cho mình (khoảng 2 tháng tuổi).
 
Bước tiếp theo là xây dựng nhà yến mới. Khi những ngôi nhà cũ đã có đàn chim khá đông, nếu muốn tăng nhanh sản lượng, theo kinh nghiệm của một số nước nên phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, nghĩa là xây thêm các nhà yến gần với nhà và nơi đã có yến sinh sống, dẫn dụ được một số chim vào làm tổ trong nhà mới, và cứ như vậy loang dần ra…
 
1. Thiết kế nhà nuôi yến và lắp đặt các trang thiết bị cần thiết
 
Ngôi nhà nuôi yến lý tưởng phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
 
- Nhà nuôi chim yến cần phải thoáng rộng, nên gần vùng có nhiều cây, đầm, ao hồ, không có cây cao quá lỗ chim vào, sàn của mỗi tầng lớn (lý tưởng 300m2/sàn –12x25), chim yến có thể lượn dễ dàng và mang lại cho ta năng suất tổ yến rất cao, trung bình 6m2/1kg. Đặc biệt gần sông nước và trước lỗ ra vào có tạo hệ thống phun sương rất thích hợp cho chim yến. Vùng kiếm ăn của chim phải có nhiều cây thấp, đồng thời có một số cây cao và mặt nước; nhà yến phải được xây dựng tại các vùng không cách xa chỗ yến trú ngụ quá 5 - 8 km, dưới đường chim bay, vùng chim kiếm mồi, không cao quá 500 m so với mặt biển… Nơi ở của yến phải có ánh sáng từ mờ tối đến tối, nhiệt độ không khí 27-310C (tối ưu là 280C), độ ẩm 70-95% (tối ưu là 80%).
 
Một nhà yến đang trong giai đoạn thi công
 
- Khoảng cách của lỗ thông hơi cách tấm sàn trên và dưới 50cm là khoảng cách lý tưởng.
 
- Khoảng cách lỗ ra vào cần dựa vào từng ngôi nhà được xây dựng lớn nhỏ để biết cách chừa lỗ cho chim vào. Có thể 20x30 cm, 40x60 cm, 40x80 cm tùy theo số lượng bầy đàn trong tương lai, hoặc trong từng giai đoạn để chúng ta thiết kế sao cho phù hợp,…
 
- Khoảng cách của thanh làm tổ và cách đóng tùy vào khổ ván (theo chiều rộng). Thanh làm tổ cho chim cũng rất quan trọng, phải mềm và tuyệt đối không có mùi khác thường, không nên sử dụng gỗ chưa được nghiên cứu như: gỗ xoài, ổi, bạch đàn, cừ tràm,… Một số hộ tự nghiên cứu mày mò và đóng những loại gỗ mà gia đình có sẵn hoặc mua những loại gỗ không phù hợp với đặc điểm của nhà yến dẫn đến việc chim không những ít vào ở mà còn tốn kém chi phí rất cao khi phải khắc phục lại để đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế chúng ta phải lưu ý và sử dụng thanh làm tổ chuyên dụng.
Clip về nghề nuôi yến trong nhà trên trang vnexpress

Ngoài ra bạn cần đầu tư những nguyên liệu phụ sau để dẫn dụ nhà yến:
 
Tổ giả: tùy vào từng điều kiện, môi trường đầu tư hoặc căn cứ vào mùa bắt đầu đầu tư để cân nhắc nên hay không nên đóng một số ít tổ giả xung quanh một số loa được gắn bên trong nhà. Chúng ta không nên lạm dụng sử dụng tổ giả nếu chúng ta chưa hiểu hết tác dụng của nó đối với bản chất sinh sống của loài chim yến, yến sẽ có cảm giác khó chịu, giảm hiệu quả bầy đàn cũng như năng suất làm tổ…
 
Loa trong nhà: Việc thiết kế và bố trí hệ thống loa trong nhà là rất quan trọng. Hệ thống phải được thiết kế làm sao sử dụng được nhiều chế độ tiếng khác nhau trong từng thời điểm trong ngày và đêm. Đặc biệt việc bố trí hợp lý để tạo hiệu ứng bầy đàn hiệu quả nhưng phải tiết kiệm tối đa khi chúng ta đầu tư. Tránh việc chúng ta tìm hiểu qua loa và suy diễn, tự đầu tư, tự gắn, tự điều chỉnh công suất làm giảm độ bền của loa dẫn đến việc tốn kém chi phí (vì phải thay loa thường xuyên) không những ảnh hưởng đến việc đầu tư mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì bầy đàn của yến.
 
Khử mùi: căn cứ vào từng vùng và mật độ yến cũng như khả năng đầu tư ban đầu để sử dụng đúng loại mùi kích thích, tạo mùi bầy đàn hợp lý để tạo môi trường thân thiện và làm cho yến tưởng có “bạn” đã ở sẵn. Sử dụng chất lỏng phun xung quanh tường, bột khô rải sàn nhà,…
 
Loa ngoài: dùng tiếng kêu bên ngoài và trong nhà để dẫn dụ chim, có nhiều cách sử dụng giàn máy tự động và cài đặt các chế độ hợp lý theo từng chương trình hẹn giờ để thu hút chim được hiệu quả. Mặt khác, nhằm hạn chế tối đa về việc ảnh hưởng từ tiếng thu hút chim đến các gia đình bên cạnh và môi trường xung quanh. Căn cứ vào các vùng miền và mức độ, điều kiện thuận lợi của những bầy đàn hoặc khu vực mà chúng ta đầu tư để thiết kế công suất máy phát hợp lý, đạt hiệu quả thu hút và dẫn dụ chim về.
 
Cây tạo côn trùng: trồng các loại cây để tạo côn trùng cho chim thích như: cây sung, cây táo nhơn. Cây được trồng xung quanh nhà hoặc vùng bay lượn của chim. Làm như thế sẽ thu hút được yến về rất đông (ngoài ra chúng ta cũng có thể dùng bột tạo côn trùng nếu cần).
 
Máy phun sương: nhằm giữ nhiệt độ và độ ẩm bên trong nhà chim (60-95% / 26 – 31 độ C).
 
Theo các chuyên gia, muốn xây dựng nhà yến phải hội tụ những yếu tố nhất định: bản vẽ, thiết kế đầy đủ lỗ ra vào, thông tầng, thông hơi, chia phòng, đóng thanh làm tổ, môi trường xung quanh nhà yến... Không nên theo một khuôn mẫu chung nào mà phải tính toán cho phù hợp với từng khu vực, từng vùng để đưa ra bài toán đầu tư cho hợp lý. Phải phân tích từng chi tiết, không được chủ quan, tránh việc dẫn đến các thất bại từ tác động ngoại cảnh do thời tiết theo mùa thất thường làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng đến môi trường sống cho yến, cũng như ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho yến. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đặc biệt chú ý đến kết cấu xây dựng nhà cho yến tại các vùng, miền khác nhau do thường có mưa, bão nhiều và nhiệt độ thời tiết thay đổi liên tục...
 
Chị Lê Minh Châu, phó Giám đốc công ty TNHH và Dịch vụ Phan Hưng Thịnh cho hay “Thành công của một nhà nuôi yến thành công phụ thuộc 40% vào địa điểm nuôi, 50% vào kỹ thuật( trong đó 15% là do ván làm tổ, 10% do chất tạo mùi dẫn dụ, 15% do môi trường độ ẩm-nhiệt độ, 5% do âm thanh, các yếu tố kỹ thuật khác chiếm 5%), 10% là do yếu tố may mắn”.
 
Yến làm tổ trong nhà
 
2. Xác định các yếu tố xâm hại, địch hại yến
 
- Các loài chim: chim đại bàng, cú mèo, quạ, bồ câu,… tốt nhất không nên để chúng bay xung quanh ngôi nhà yến, nếu thấy phải xua đuổi, không để chúng xâm nhập lại gần.
 
- Chuột: chim yến rất sợ chuột, nếu chuột vào yến sẽ bay đi nơi khác nên bằng mọi cách phải ngăn chặn chúng từ mọi ngõ ngách để chúng không có cơ hội vào được (thấy là diệt).
 
- Dơi: dơi rất hôi & luôn quấy động, thậm chí chúng còn ăn trứng và yến con, có nhiều nhất vào mùa khô khiến yến bay đi nơi khác.
 
- Rệp: rệp là loại rất hôi, khi đóng gỗ tạo ra khe hở trên trần sẽ tạo điều kiện cho chúng sống và phát triển, yến khó chịu, không làm tổ.
 
- Nhện: lưu ý lỗ ra vào có nhện và gián hay không, nếu có phải quét dọn ngay nếu không sẽ làm ảnh hưởng đường bay của yến.
 
3. Những cách bảo vệ cho Yến
 
- Lắp đặt hệ thống quan sát (camera) trong và ngoài nhà yến để đảm bảo vệc giám sát các mối nguy hại cho nhà yến từ con người cũng như các tác nhân liên quan khác.
 
- Tốt nhất, cửa ra vào nhà yến dành cho người phải dày 1 - 2 lớp và nên trang bị các loại khóa tốt để chống trộm.
 
- Xây tường bao xung quanh nhà yến, phải có bảo vệ nếu gia chủ đầu tư xa vị trí nhà ở của mình.
 
Một tổ yến
 
4. Các loại thức ăn cho chim yến
 
Việc nâng cao tỷ lệ sống và giải quyết tốt vấn đề thức ăn của chim con (kể cả thức ăn tự nhiên và nhân tạo) cũng là những vấn đề cần lưu tâm khi nuôi yến.
 
- Ngoài nuôi chim con bằng ấu trùng ong kiến, người ta đã nuôi chúng bằng thức ăn nhân tạo tăng cường. Bước đầu thử nghiệm tại Việt Nam, chim con chấp nhận loại thức ăn này. Cần bổ sung một loại enzym thích hợp vào mồi ăn của chim con.
 
- Thức ăn sống bổ sung: là loại thức ăn côn trùng đóng hộp (kiểu artemia dùng cho nuôi tôm), với hàm lượng protein cao đến 56%, là thức ăn tự nhiên 100%. Đây là một loại côn trùng hai cánh – dipteramino, thuộc giống Drosophila – ruồi dấm. Thức ăn được cung cấp trong nhà yến gần với nơi sẽ làm tổ, chim bố mẹ không phải đi xa, không mất nhiều năng lượng, chim con cũng đủ mồi để lớn lên nhanh chóng và đủ sức rời khỏi tổ. Nhờ vậy, số lượng yến và năng suất nhà yến tăng cao.
 
- Nước uống cho chim non cũng rất cần thiết, cho uống nước sạch khử trùng từ ngày thứ 10 sau khi nở. Ngoài ra còn có thêm nước uống chuyên dùng cho chim non.
 
Một vấn đề cần lưu tâm là số lượng đàn chim tăng lên phải được cân bằng với môi trường sống vĩ mô của chim. Để tránh các khuynh hướng giảm sút của đàn yến tự nhiên, gây cạnh tranh thức ăn trong thiên nhiên, nên trồng thêm xung quanh nhà yến những loại cây mà yến ưa thích (như cây keo dậu – Leucaena glauca), gây nuôi các loại côn trùng làm thức ăn cho chim và nhất là bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển.
 
Nếu môi trường thiên nhiên bị phá hủy do đô thị hóa, chim yến có thể sống trong “khách sạn 5 sao” giữa các thành phố (như ở Malaysia, Thái Lan) nhưng phải đi xa kiếm ăn, sự tiêu tốn năng lượng và thiếu thốn thức ăn sẽ làm số lượng quần đàn giảm xuống. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển phải được đặt lên hàng đầu. Thái Lan đã bảo tồn được khu rừng ngập mặn nên đàn chim yến của Thái Lan phát triển rất nhanh, đây là một điển hình mà Việt Nam cần học tập. 
 
Ông Mười Thiết (Tiền Giang) tiết lộ, nghề nuôi yến hiện nay lợi nhuận rất cao nhưng muốn thành công, người nuôi phải say mê và nắm vững kỹ thuật, nhất là môi trường xung quanh phải ổn định. Đặc biệt, thời gian khai thác phải hợp lý, tránh lấy tổ lúc chim mới đẻ trứng hoặc con vừa mới nở. điều quan trọng nhất là làm sao để chim con sau khi bay ra lại trở về sống trong ngôi nhà chỉ định. Và muốn nghề nuôi yến phát triển một cách bền vững, trong tự nhiên chúng ta cần phải cho chim bố mẹ tự ấp trứng của chúng.
 
5. Tìm đầu ra cho sản phẩm
 
Bạn có thể tìm đến các công ty cung ứng dịch vụ nuôi chim yến để tìm cho một nguồn đầu ra ổn định, một số công ty như công ty TNHH và dịch vụ Phan Hưng Thịnh có nhận bao tiêu sản phẩm cho các khách hàng mà công ty này cung ứng dịch vụ. Công ty sẽ mua theo giá thị trường tại thời điểm thu mua. 
 
Trên đây là những bước đi cơ bản ban đầu giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh về nghề nuôi yến, một trong những nghề đang rất phát triển tại Việt Nam hiện nay. Chúc bạn sớm thành công với lựa chọn đầu tư của mình.
 

Người gửi Phạm Lê Phương

Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 1
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 1,122
Tuần trước 625
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952