banner banner banner banner

Tin tức Kỹ thuật nuôi chim yến

Chim yến bị tiêu hủy, người nuôi hoang mang

Cập nhật: 15/05/2013 17:06
xay dung nha yen
Người nuôi chim yến ở Ninh Thuận đang hoang mang. Và họ cho rằng, vấn đề quan trọng là cần thiết phải có giải pháp cụ thể, khoa học để người nuôi không bị thiệt hại, vì thực tế trên thế giới vẫn chưa từng có chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và gây lây lan dịch.

Công bố dịch, diệt chim yến

Trước đó, sáng 19/4, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định công bố dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến nuôi ở rạp Thanh Bình (nhà 592 Thống Nhất, P.Đạo Long, thành phố Phan Rang -Tháp Chàm).

Đây là cơ sở nuôi yến thuộc Công ty Yến Việt, với số lượng hơn 100.000 con được cơ quan chức năng nhận định 'đã nhiễm dịch cúm gia cầm'.


 
Chuẩn bị tiêu hủy chim yến
 

Trước đó, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã về tận địa phương thị sát. Ông Tám đã đề nghị tỉnh Ninh Thuận chủ động công bố dịch trên chim yến theo công điện khẩn số 10/CĐ-BNN-TY gửi các địa phương, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Cơ quan Thú y vùng 6 về xử lý đối với vấn đề chim yến tại Ninh Thuận.

Cụ thể, công bố dịch chim yến tại 2 cơ sở yến nuôi của ông Lâm Trọng Nhân ở phường Mỹ Phước, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và cơ sở của ông Đỗ Văn Minh thuộc nhà yến Thanh Bình của Công ty Yến Việt tại phường Đạo Long, do đã có hàng ngàn con yến chết.

Cùng ngày, Chi cục Thú y Ninh Thuận đã thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng, phun hóa chất tiêu hủy đàn chim yến tại nhà yến Thanh Bình như đã thống nhất với Trung tâm Thú y vùng 6 và tỉnh Ninh Thuận.

Cán bộ thú y đã dùng 4 loại hóa chất: Benkocid, Virkon, Formon, Cresyl trộn vào nhau và đưa vào máy phun phủ toàn bộ ngôi nhà yến, sau khi bịt các lỗ ra vào.

Hơn 1.000 chim yến đang ở trong nhà đã bị chết do thấm thuốc.

“Thời điểm tiêu hủy lúc này là ban ngày, chim yến đã đi kiếm ăn nên số lượng chưa nhiều, sau đợt này sẽ mở các lối đợi đêm xuống đàn chim yến sẽ về tổ thấm thuốc và chết” – đại diện cán bộ thú y làm nhiệm vụ ở đây nói.

Người nuôi hoang mang

Sau một tuần Ninh Thuận công bố dịch trên đàn chim yến, chúng tôi trở lại nơi có dịch, trên đường Thống Nhất thuộc phường Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Rạp hát Thanh Bình cũ kỹ năm xưa nay là Trung tâm nuôi yến đầu tiên của Ninh Thuận đang cửa đóng then cài.

Sau khi đàn yến ở nhà nuôi Thanh Bình bị tiêu hủy, nhiều hộ nuôi yến ở Ninh Thuận đang hoang mang.
 

Phần khoảng không nhà nuôi yến Thanh Bình đã vắng bóng chim bay. Số chim yến còn lại chắc sẽ không về nơi ở cũ mà tá túc đâu đó.

Đàn yến tại cơ sở nuôi ở rạp Thanh Bình bị tiêu hủy ít nhiều ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi yến và cả thương hiệu Yến Việt trên thị trường thế giới.

Đại diện Công ty cổ phần Yến Việt cho biết, hiện tình hình chim chết đã chấm dứt và toàn bộ 10 mẫu chim lấy tại đây xét nghiệm từ ngày 16/4 đến nay đều cho kết quả âm tính với virus H5N1.

Công ty đã phối hợp cùng Cơ quan Thú y vùng 6 và Chi cục Thú y Ninh Thuận tiến hành tiêu độc, khử trùng cho cơ sở Thanh Bình.

Bà Đặng Phạm Minh Loan - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yến Việt cho biết: “Đây là loài chim quý, mang lại thu nhập và công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Chúng tôi đã gắn bó với đàn chim hàng chục năm. Mỗi ngày được ngắm nhìn chúng bay đi kiếm ăn mỗi sáng sớm và đón chúng bay về mỗi ngày khi chạng vạng tối nên không ai cầm được nước mắt khi chim bị diệt” - bà Loan chia sẻ.

Cũng theo bà Loan, công ty hiện rất khó khăn vì tổng lượng khai thác của nhà chim Thanh Bình chiếm dưới 10% doanh số.

Sắp tới, khi không còn lượng khai thác từ nhà chim này, công ty sẽ phải tăng cường thu mua từ các hộ nông dân.

Trong khi đó, về phía địa phương, ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Đối với đàn gia súc, gia cầm bị dịch bệnh phải tiêu hủy được hỗ trợ theo mức quy định, tương đương 70% giá trị thương phẩm của người nuôi bán ra thị trường. Tuy nhiên, đối với chim yến nuôi hiện chưa có quy định cụ thể về mức hỗ trợ”.

Người nuôi chim yến ở Ninh Thuận đang hoang mang. Và họ cho rằng, vấn đề quan trọng là cần thiết phải có giải pháp cụ thể, khoa học để người nuôi không bị thiệt hại, vì thực tế trên thế giới vẫn chưa từng có chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 và gây lây lan dịch.

 xaydungnhayen.com.vn (Theo Vietnamnet)



Hỗ trợ trực tuyến

Mr Nê
0783848586 0974449992

Thống kê truy cập

9 7 9 5 2
Online 16
Hôm nay 0
Hôm qua 0
Tuần này 952
Tuần trước 1,122
Tháng này 0
Tháng trước 0
Tất cả 97,952